CÁCH NEO TÀU BẰNG HAI NEO
Trong điều kiện gió mạnh, nước chảy xiết, chất đáy kém, thường phải tìm cách tăng lực bám của neo để đảm bảo an toàn. Có thể tăng thêm lực bám của neo bằng cách xông thêm xích neo. Tuy nhiên khi tăng độ dài của xích thì sẽ làm tăng mạnh chuyển động chao đảo của tàu, dẫn tới nguy cơ đứt xích. Vì vậy thường dùng phương pháp neo hai neo để tăng lực bám của neo.
I. Phương pháp neo hai neo thẳng hàng khi tàu chạy tới, (xem hình)
1) Cho tàu chạy tới ngược nước, đến vị trí 1, ném neo thứ nhất.
2) Xông xích neo thứ nhất với độ dài gấp đôi chiều dài xích dự định, cho tàu tiếp tục chạy đến vị trí 2 thả neo thứ hai. Neo thứ hai là neo chịu lực.
3) Xông xích neo thứ hai, thu xích neo thứ nhất cho tàu lùi về giữa, điều chỉnh cho hai xích bằng nhau. Nhờ gió và nước tàu dạt về vị trí 3.
Phương pháp này dễ thực hiện, vị trí neo chính xác, thời gian thực hiện ngắn hơn cách neo lùi tàu. Hầu hết các tàu đều dùng phương pháp này.
II. Phương pháp neo hai neo thẳng hàng khi tàu chạy lùi.
Thao tác giống như trên, chỉ khác là thả neo chịu lực trước.
III. Ưu nhược điểm của phương pháp neo hai neo thẳng hàng
1) Ưu điểm là khi tàu quay do dòng chảy và gió mạnh thì chỉ quay trong phạm vi diện tích là một vòng tròn mà tâm là mũi tàu và bán kính là chiều dài của tàu. Phương pháp này phù hợp với vùng neo hẹp.
2) Tuy nhiên, có một số nhược điểm sau đây,
– Điều động, thả neo, kéo neo đều phức tạp, mất nhiều thời gian.
– Khi nước, gió đổi chiều thì hai xích neo bị xoắn, không những mất nhiều thời gian để gỡ xoắn mà khi bị xoắn thì lực bám của neo giảm, dễ trôi neo.
– Nếu hướng của xích neo không trùng với chiều của dòng chảy hoặc hướng gió, khi gặp sóng to gió lớn thì hai xích neo chịu lực rất căng, không có lợi cho an toàn của tàu.
Do những nhược điểm trên mà phương pháp này không dùng để neo chống bão vì khi khi bão đi qua hướng gió không ngừng thay đổi xích neo dễ bị xoắn. Lực bám của neo của phương pháp này cũng không hơn gì phương pháp một neo.
Nguồn:Thuyền Trưởng Tiếu Văn Kinh