Một trong các nguyên nhân hay dẫn đến các tình huống tai nạn trên biển là đâm va giữa các phương tiện trong quá trình hành hải. Tai nạn đâm va có thể xảy ra do đâm va giữa tàu biển với nhau, tàu biển với phương tiện thủy nội địa, tàu biển với thủy phi cơ hoặc giữa các phương tiện khác trên biển, trong vùng nước cảng biển.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do tai nạn hàng hải gây ra, bảo đảm an toàn sinh mạng trên biển, hàng loạt các biện pháp phòng chống đâm va trên biển, nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn đã được Việt Nam triển khai tích cực.
Theo đó, ngày 06/08/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BGTVT quy định việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển, áp dụng đối với tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ Việt Nam hoạt động trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam và quốc tế; đồng thời áp dụng cho các tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải, trên các vùng biển Việt Nam.
Tại Thông tư này, các quy định về tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo để tránh đâm va được nêu tại Điều 34 là một trong các thông tin quan trọng đối với người điều khiển phương tiện khi đang hành trình. Điều này bao gồm 6 khoản với các nội dung cơ bản như sau:
- Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường, tàu thuyền máy đang chạy mà muốn tiến hành điều động tàu thuyền mình phải báo bằng còi những tín hiệu được quy định tại Thông tư này:
- Một tiếng còi ngắn có nghĩa là “ Tôi đổi hướng đi của tôi sang phải”;
- Hai tiếng còi ngắn có nghĩa là “Tôi đổi hướng đi của tôi sang trái”;
- Ba tiếng còi ngắn có nghĩa là: “Máy của tôi đang chạy lùi”.
- Mọi tàu thuyền ngoài những tín hiệu còi quy định tại khoản 1 ở trên, có thể phát kèm thêm những tín hiệu ánh sáng lặp đi lặp lại, tùy theo sự cần thiết trong suốt thời gian điều động.
- Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường trong luồng hẹp hoặc kênh đào, cần phát tín hiệu bằng còi tùy theo các tình huống cụ thể.
- Khi tàu thuyền nhìn thấy nhau bằng mắt thường và đang tiến lại gần nhau, vì một lý do nào đó mà tàu thuyền không hiểu ý định hoặc hành động của tàu thuyền kia, hoặc nghi ngờ tàu thuyền kia có biện pháp điều động đủ để tránh đâm va hay không, thì tàu thuyền đó phải tức khắc biểu thị sự nghi ngờ bằng cách phát ít nhất 5 tiếng còi ngắn nhanh, liên tiếp. Cùng với tín hiệu này có thể phát kèm thêm tín hiệu đèn, ít nhất là 5 chớp ngắn, nhanh, liên tục.
- Tàu thuyền đi đến gần chỗ ngoặt hoặc một khúc sông hoặc một đoạn luồng mà ở đó tàu thuyền khác có thể bị các vật chướng ngại che khuất, phải phát một tiếng còi dài. Tàu thuyền ở bên kia chỗ ngoặt hay ở phía sau chướng ngại đang che khuất nghe thấy âm hiệu phải đáp cùng một tiếng còi dài như thế.
- Khi tàu thuyền có trang bị nhiều còi, bố trí cái nọ cách cái kia trên 100 mét, thì chỉ cần sử dụng một còi khi phát những tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo.
Ngoài việc tuân thủ các quy định ở trên, các tàu thuyền cũng cần lưu ý thực hiện tốt các quy định an toàn hàng hải khác, chạy đúng tốc độ, đặc biệt là trong điều kiện sương mù, tầm nhìn hạn chế và khi trời tối. Đồng thời, các tàu phải luôn bố trí người trực canh, cảnh giới để phòng ngừa tai nạn.